HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN 1961 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ CHO CHỦ TỊCH, PHÓ CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ, THỊ XÃ TRỰC THUỘC TỈNH KHU VỰC PHÍA NAM
Ngày 30/5/2016, Hội nghị triển khai Đề án 1961 giai đoạn 2016-2020 và Khóa đào tạo về quản lý xây dựng và phát triển đô thị theo Đề án 1961 cho các Chủ tịch, phó Chủ tịch UBND Thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh khu vực Nam Bộ diễn ra tại Cần Thơ. Tham gia Hội nghị và Khóa đào tạo có đồng chí Đỗ Đức Duy – Thứ trưởng Bộ Xây dựng-Phó trưởng Ban, thường trực Ban chỉ đạo Đề án, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, đại diện các Cục, vụ chuyên ngành của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, các tổ chức quốc tế như UN Habitat, Liên minh đô thị Thế giới, USAID Việt Nam cùng gần 50 học viên là các Chủ tịch, Phó Chủ tịch các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh khu vực phía Nam.
Theo yêu cầu quản lý xây dựng và đô thị theo định hướng phát triển đô thị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đòi hỏi đội ngũ công chức lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp phải tinh thông nghiệp vụ, có năng lực quản lý xây dựng và đô thị. Ngày 25/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức và lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010-2015”(gọi tắt là Đề án 1961), với mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, điều hành cho công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp về công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị Việt Nam, tạo sự thống nhất và đồng đều của công tác này trên cả nước. Đề án đã đáp ứng được tính cấp thiết và khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.
Tuy vậy, kết thúc năm 2015, do nguồn nhân lực quản lý xây dựng và đô thị có nhiều thay đổi. Đặc biệt trong giai đoạn 2016-2020 khi các địa phương sắp xếp, bố trí nhân sự cho nhiệm kỳ mới tại Đảng bộ, UBND, HĐND các cấp là giai đoạn cần phải có được một lực lượng lớn các cán bộ công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị được đào tạo bồi dưỡng về quản lý xây dựng và phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Theo đó, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng được xác định là nội dung cần được tiến hành thường xuyên và liên tục. Ngày 8/1/2016, bằng văn bản số 143/VPCP-KTN, Chính phủ đã đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Đề án đến năm 2020 và mở rộng đối tượng tham gia học tập theo Đề án.
Hội nghị đã nhận được các ý kiến đóng góp thiết thực từ chuyên gia và các nhà lãnh đạo địa phương. Đ/C Đỗ Đức Duy – Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Trong 5 năm qua, Bộ Xây dựng đã hết sức nghiêm túc triển khai thực hiện Đề án. Đề án đã hoàn thành được nhiều nhiệm vụ như: Tổ chức Ban chỉ đạo để điều hành quản lý thực hiện Đề án, trong đó có sự tham gia phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương; Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu, cách thức tổ chức các khóa đào tạo đồng thời tuyên truyền, quảng bá về nội dung ý nghĩa của Đề án 1961 tới từng địa phương; Hoàn thành việc xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu cho các nhóm đối tượng học viên. Các bộ tài liệu được biên soạn công phu và nhận được đánh giá tích cực từ phía học viên tham dự các khóa học. Xây dựng đội ngũ giảng viên là lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, Học viện đồng thời mời các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước tham gia giảng dạy chương trình.
Để triển khai hiệu quả Đề án 1961 giai đoạn 2016-2020, cần hoàn thành những mục tiêu cụ thể như sau:
Một là: Đến năm 2020 có 100% cán bộ lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp bao gồm cả các đối tượng mở rộng được đào tạo bồi dưỡng theo các chương trình của Đề án 1961.
Hai là: Hoàn thành việc rà soát chỉnh sửa 08 bộ tài liệu đã được Bộ Xây dựng ban hành theo hướng tinh gọn, thiết thực, chuyên sâu đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên liên tục.
Ba là: Xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm chức của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, đội ngũ giảng viên nguồn của các địa phương có năng lực, trình độ và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với các chương trình, đối tượng đào tạo.
Bốn là: Xây dựng và hoàn thiện thể chế để hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị trở thành hoạt động đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và bắt buộc đối với cán bộ lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp.
Năm là: Áp dụng hình thức học tập trực tuyến E-Learning kết hợp bồi dưỡng trực tiếp trên lớp.”
Bà Võ Thị Hồng Ánh – Phó Chủ tịch thành phố Cần Thơ phát biểu: Thời gian trước, các lớp học về quản lý đô thị cho các cấp chính quyền địa phương rất ít, hầu như không có. Do vậy, cán bộ không được bổ sung kiến thức, kỹ năng thường xuyên. Tôi đã được tham gia một số lớp đào tạo bồi dưỡng về chính sách quản lý đô thị. Tôi rất vui mừng khi Chính phủ đồng ý cho phép kéo dài Đề án. Không thể dừng nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng được vì các cán bộ thay đổi thường xuyên. Đề nghị Bộ Xây dựng đề xuất với Chính phủ cho kéo dài cả những năm tiếp theo. Tôi đề nghị có chương trình mở, cần đào tạo về kỹ năng để vai trò quản lý của cán bộ các cấp được tốt hơn, đặc biệt là đào tạo cho cả chuyên viên làm công tác quản lý đô thị. Cần khuyến khích cán bộ địa phương nâng cao năng lực qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng về quản lý xây dựng và đô thị. Cần tổ chức các lớp thông qua đi thực tiễn nhiều hơn là ngồi tập huấn tại chỗ. Từ thực tiễn, cán bộ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, rút ra cho địa phương mình sẽ thực sự hữu ích hơn. Vai trò của Bộ Xây dựng rất quan trọng đối với sự phát triển của các đô thị Việt Nam, tôi mong muốn Bộ Xây dựng có được những chương trình học với những nội dung thiết thực giúp cho công tác quy hoạch, quản lý đô thị tại địa phương được hiệu quả hơn.
Ông Trần Hữu Hà – Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị - Phó trưởng Ban chỉ đạo Đề án khẳng định những kết quả đã thực hiện được của Đề án: “Thực hiện Đề án 1961, Học viện được Bộ Xây dựng giao làm đơn vị thực hiện chủ trì thực hiện của Đề án, trong đó có viêc tổ chức các khóa học trên cả nước. Trong 5 năm qua, Học viện đã tổ chức được hơn 162 khóa học với 5616 lượt học viên.
Qua ý kiến đóng góp của học viên sau khi kết thúc lớp học bằng hình thức lấy phiếu đánh giá hoặc phỏng vấn trực tiếp, có 90% học viên hài lòng với chất lượng giảng dạy, 92% học viên đánh giá cao về nội dung và chương trình tài liệu, 96% đánh giá cao về sự cần thiết tổ chức lớp học”
Ông Đỗ Phi Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh
Tp HCM đã có sự quan tâm sâu sát đến công tác đào tạo bồi dưỡng, sự phối hợp của Học viện, các đơn vị sở xd, sở nội vụ, sở tài chính....
Kiến nghị 5 nội dung: tiếp tục mở rộng đối tượng. Ở Thành phố Hồ Chí Minh có đối tượng quản lý trật tự đô thị là lực lượng rất cần phải học, lực lượng hội đồng nhân dân có từ thành phố đến phường. Đa số các cán bộ này đi lên từ đoàn thể nên rất cần thiết phải bồi dưỡng để giám sát, quản lý ở địa phương được sát sao hơn. Chương trình học cần kiến nghị với Bộ Xây dựng cho phép bổ sung những nội dung phù hợp với từng địa phương. Về thời gian học, cần nới thời gian để học viên thuận lợi được hơn. Cần kết hợp học tập với đi thực tế. Đặc biệt, phải chuẩn hóa chương trình học để đưa thành nội dung bắt buộc đối với công chức quản lý đô thị địa phương để làm tiêu chí đề bạt cán bộ.
Tại Hội nghị, ý kiến của các nhà quản lý địa phương tập trung làm rõ Kế hoạch thực hiện Đề án của địa phương mình với Ban chỉ đạo nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc hoàn thành các mục tiêu của Đề án trong thời gian tới. Phân tích, đánh giá những bất cập, khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện Đề án ở địa phương và có giải pháp để hoàn thành mục tiêu Đề án trong giai đoạn tiếp theo.
Cũng trong sáng ngày 30/5/2016, Bộ Xây dựng, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) đã tổ chức Khóa đào tạo về quản lý xây dựng và phát triển đô thị theo Đề án 1961 (Đối tượng 2), học viên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh khu vực phía Nam. Chương trình diễn ra trong 5 ngày với hàm lượng kiến thức tổng hợp và mang tính chất liên tục bao gồm các chuyên đề như: Đô thị hóa và định hướng phát triển đô thị; Quản lý quy hoạch đô thị nông thôn; Bảo tồn di sản và quản lý đô thị; Quản lý xây dựng đô thị; Quản lý đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản, kinh nghiệm quốc tế; Tài chính đô thị dựa trên đất đai và cạnh tranh đô thị; Quản lý hạ tầng kết hợp giao thông với sử dụng đất; Biến đổi khí hậu và phát triển đô thị. Trong mỗi chuyên đề sẽ có thảo luận nhóm tập trung, có chuyên đề học viên được đi tham quan thực tế giúp cho việc vận dụng kiến thức được hiệu quả hơn.
Ông Trần Hữu Hà – Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị phát biểu chào mừng khóa học đã nhấn mạnh: “Thực hiện nhiệm vụ do Bộ Xây dựng giao, Học viện đã tổ chức khóa học nhằm mang đến cho học viện các kiến thức, kinh nghiệm tốt nhất trong và ngoài nước về ông tác quản lý xây dựng và phát triển đô thị tại các thành phố, thị xã ở Việt Nam.”
Đề cập đến bài học thành công từ các đô thị tiên tiến, nghiên cứu tình huống về đô thị và chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế là một trong những nội dung trọng tâm tại khóa học. Điều được mong đợi tại khóa học lần này đó chính là sự góp mặt của những chuyên gia hàng đầu ở trong nước cũng như quốc tế về các lĩnh vực có liên quan. Với đối tượng học viên là Chủ tịch, phó Chủ tịch UBND Thành phố, thị xã trực thuộc Tỉnh - những nhà lãnh đạo các đô thị hiện tại, khóa học sẽ trang bị những nền tảng kiến thức tốt nhất giúp cho các nhà lãnh đạo, chuyên môn quản lý đô thị hiệu quả hơn để một mặt đưa đô thị Việt Nam phát triển thành các đô thị tiên tiến, văn minh, phục vụ tốt đời sống nhân dân, mặt khác việc quản lý tốt cũng sẽ có những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế xã hội cũng như mang lại những hiệu quả to lớn, bền vững cho địa phương, đất nước.